Khái niệm cơ bản về 3 dải tần số Bass Mid Treble trong âm thanh

Trong lĩnh vực thiết bị âm thanh 3 dải tần số Bass- Mid -Treble khá cơ bản và một người làm âm thanh lành nghề nào cũng phải biết và nắm vững nó. Nhưng cũng có không ít các bạn mới bước vào làm âm thanh cũng khá mơ hồ với thuật ngữ này và không hiểu rõ đến chúng.
Hôm nay chúng tôi sẽ diễn giải chi tiết khái quát về 3 dải tần Bass Mid Treble trong lĩnh vực âm thanh. Đó là những thuật ngữ được dùng để chỉ 3 dải tần số âm thanh cơ bản là âm trầm, âm trung và âm cao.
Bản chất của âm thanh là các sóng dao động cơ học (thường được xét trong môi trường không khí), và các sóng dao động âm thanh này được gọi là tần số. Tai của một người bình thường có khả năng nghe được các dải tần số âm thanh trong khoảng từ 16Hz đến 20kHz (sóng âm thanh dao động từ 16 đến 20.000 lần/giây).
Và để dễ xác định hơn thì người ta thường chia các dải tần số từ 20Hz đến 20KHz này ra làm 3 khoảng thấp – trung – cao, đó chính là Bass – Mid – Treble (những dải tần quen thuộc thường thấy trên 1 Mixer chỉnh âm). Những tần số nào vượt ra khỏi giới hạn từ 20Hz đến 20kHz sẽ được gọi là hạ âm (nếu thấp hơn 20Hz) và siêu âm (nếu cao hơn 20kHz).

TREBLE (âm cao):
Có dải tần số âm thanh trải dài từ khoảng 6kHz đến 20kHz, âm Treble góp phần làm tăng độ chi tiết, sáng tiếng, sắc bén của 1 nguồn âm. Tiếng Treble hay sẽ không qúa chói gắt, mà sẽ nghe thánh thót và trong vắt như pha lê. Đối với một ca sĩ chuyên nghiệp thì việc hát rõ ràng, hơi khỏe, họ còn phải đáp ứng được cao độ khi bài hát đó lên đến cao trào.

[​IMG]


MID (âm trung):
Mid là dải tần số phổ biến nhất mà mỗi ngày bạn đều được nghe như là giọng nói con người, tiếng kêu của đa số loài động vật, những âm thanh trong sinh hoạt hàng ngày… nên đôi tai chúng ta rất nhạy cảm và cũng đánh giá chính xác nhất ở dải tần số này. Một âm Mid được coi là tốt khi có sự rõ ràng, độ chi tiết cao, không bị chói tai và làm cho người nghe có cảm giác dễ chịu.

  • Low mid : 500Hz ~ 1kHz
  • Mid : 1kHz ~ 2kHz
  • High mid : 2kHz ~ 6kHz


Để đánh giá một hệ thống âm thanh chuyên phục vụ cho ca hát biểu diễn, sân khấu ca nhạc, karaoke… là tốt hay không thì vực Mid sẽ nói lên tất cả.

[​IMG]


BASS (âm trầm):
Để dễ xác định, người ta lại chia nhỏ tần số Bass ra thành:

  • Low bass (Deep bass) : 20Hz ~ 80Hz
  • Bass : 80Hz ~ 320Hz
  • Upper bass (High bass) : 320Hz ~ 500Hz

Âm trầm là dải tần số thường bị đánh giá sai lệch nhiều nhất trong âm thanh. Người nghe thiếu kinh nghiệm thường nhầm lẫn giữa “độ sâu” và “cường độ” của âm Bass. Khi nghe những dàn loa đang chơi “nhạc mạnh” với âm lượng lớn thì chưa chắc đó đã là tốt. Một loa Sub Bass tốt sẽ thể hiện được những tần số rất thấp ngay cả ở mức âm lượng không quá lớn, Bass nghe tròn trịa, chắc chắn, không lẫn những âm thanh của vực Mid vào.

[​IMG]


Tuy nhiên đó là những định nghĩa về mặt lý thuyết, còn về sở thích thì mỗi người lại khác nhau và còn phụ thuộc vào thể loại âm thanh – âm nhạc mà mình đang nghe. Ví dụ khi nghe nhạc Rock, nhạc Electronic thì Bass nghe phải chắc, gọn, dứt khoát và có lực nảy thì sẽ phù hợp hơn. Ngược lại, nếu nghe nhạc Pop – Ballad, Country thì lại cần âm Bass trầm sâu một cách thật mềm mại và tinh tế…

Do cấu tạo sinh học của tai và não cảm nhận âm thanh, con người chỉ nghe được tới khoảng tần số 20kHz, nhưng theo nghiên cứu của những hãng âm thanh hàng đầu thế giới thì ở tần số siêu âm (cao hơn 20kHz) con người tuy không nghe được những vẫn có thể cảm nhận được, góp phần làm tăng xúc cảm khi nghe nhạc. Do đó đã có khá nhiều nhà sản xuất tạo ra những dòng loa có thể phát tới tần số rất cao (khoảng trên 30kHz) nhằm làm tăng “độ phiêu” của những thính giả khó tính.
Hầu như tất cả những âm thanh chúng ta được nghe trong cuộc sống đều không chỉ nằm ở 1 tần số cố định, mà luôn là sự hòa trộn theo một tỉ lệ nào đó trong 3 dải tần số Bass – Mid – Treble nói trên. Điều này đã góp phần tạo nên thế giới âm thanh phong phú mà chúng ta cảm nhận bằng đôi tai mỗi ngày.

St từ techrum.vn

Đăng ký nhận thông tin ưu đãi và khuyến mãi

Thông tin của bạn sẽ được bảo mật tuyệt đối và hủy đăng ký bất cứ lúc nào